Lão nông Bùi Văn Tước năm nay đã 85 tuổi nhưng trông còn rất tráng kiện. Tên ông đã nổi tiếng nhưng bà con ở ấp Thuận Tân, xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cứ quen gọi là bác Mười Tước hay thân mật hơn là… ông Năm Roi.
Hỏi về biệt danh Năm Roi, ông lão cười đôn hậu, bảo: "Sở dĩ người ta gọi tui là ông Năm Roi bởi vì tích xưa cách đây trên 57 năm. Hồi đó tui còn là một thanh niên mê làm ruộng làm vườn, có lần đến nhà người bác là ông hội đồng Bùi Quang Qui chơi, được cho ăn thứ bưởi gì ngon quá. Ông bác cho biết đây là trái của cây bưởi ngoài bụi trầu và căn dặn con cháu rào kỹ càng, đứa nào lén hái bưởi ăn là bị đòn 5 roi. Tui là đứa đã bị ăn 5 roi vô mông. Sau đó, con của ông bác là ông Bùi Hà Thanh cho tui chiết 5 nhánh về trồng cho trái rất ngon". Được biết từ đó cây bưởi có tên Năm Roi và được nhân rộng cho tới ngày nay. Ông Mười Tước cho biết thêm, xứ Bình Minh do đất sét pha cát phù sa sông Hậu nên rất thích hợp cho giống bưởi Năm Roi chất lượng cao. Vậy nên cùng một giống bưởi mà trồng ở huyện khác thì độ ngọt cũng thấp hơn. Theo kinh nghiệm của ông Mười, trồng bưởi cần có bờ bao, mương cao khô ráo, tưới nước nhiều hay ít tùy theo chu kỳ sinh trưởng của bông trái. Đặc biệt là biết dứt nước đúng lúc để làm tăng trữ đường, bưởi mới ngọt. Bởi vậy bà con không lấy làm lạ khi bưởi Năm Roi của ông Mười đã đạt giải nhất cuộc thi Trái ngon miệt vườn do Vĩnh Long tổ chức vào năm 1996. Một phát hiện lý thú hơn là trước đó 30 năm – vào năm 1966, ông Mười Tước đã nhân thành công giống lúa IR8 (Thần Nông 8) đầu tiên của Việt Nam và được bằng khen Nông nghiệp Bội tinh đệ nhị hạng của chính quyền Sài Gòn. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mười Tước nhiều lần được mời làm "giảng sư" truyền đạt những kinh nghiệm làm nông, nhất là trồng bưởi Năm Roi cho sinh viên ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang. GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang từng đến khu vườn bưởi của ông Mười Tước và nhận định rằng: "Cách làm vườn của bác Mười Tước cần phải học hỏi và nhân rộng, từ việc đào mương, trồng cây xen phù hợp, lấy ngắn nuôi dài, cho đến những kinh nghiệm cắt tỉa nhánh, chọn trái chắc…".
Ông Mười Tước cho biết hiện ông có 2 ha vườn trồng 10.000 cây bưởi cho trái bán quanh năm. Vụ Tết vừa qua thu trên 30 triệu đồng. Một năm ít nhất ông cũng thu trên 70 triệu đồng. Dự kiến năm tới, khi 30% số bưởi trồng thay cây già đồng loạt cho trái sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng/năm