Thành phần dinh dưỡng trong trái kiwi do đại học Rutgers (Mỹ) phân tích cho thấy nhiều hợp chất polyphenol, chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrients), axít folic, vitamin C, E, nhiều khoáng tố như Ca, Cr, Cu, Fe, Mg, K, Zn. Ăn một quả kiwi hàng ngày có thể giúp sản sinh những vi chất bảo vệ cơ thể chống lại việc phá huỷ ADN và ngăn chặn các bệnh ung thư phổi, miệng, cổ họng, dạ dày, đại tràng và thực quản. Hàm lượng vitamin C cao trong kiwi bảo vệ cơ thể chống lại sự oxy hoá tế bào, phòng chống xơ vữa động mạch, chống đông máu, hạn chế nguy cơ bệnh tim mạch, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống thiếu máu, hạ huyết áp, hạ cholesterol và triglyceride trong máu, giúp giảm thiểu các cơn đau thắt ngực. Các khoáng tố vi lượng như K, Mg, Cu trong kiwi đều có vai trò bảo vệ tim.
“Nhà vô địch” Vitamin C
Từ trước đến nay, cam vẫn được biết như là loại quả số 1 trong việc cung cấp vitamin C. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra hàm lượng vitamin C của kiwi gấp đôi so với cam (tính trên mỗi 100g quả). Do đó mỗi ngày, bạn chỉ cần ăn một quả kiwi là đã có đủ lượng vitamin C cần thiết. Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật, làm săn chắc các sợi collagen giúp da giữ được độ đàn hồi. Đối với bệnh nhân mới phẫu thuật, Vitamin C giúp vững thành mạch máu làm vết thương mau lành.
Giúp sáng mắt, ngăn ngừa giảm thị lực
Trong kiwi có beta-caroten giúp sáng mắt và tăng cường miễn dịch. Lutein và zeaxanthin giúp phòng tránh bệnh thoái hóa võng mạc, làm giảm thị lực dẫn đến mù lòa, một chứng bệnh rất hay gặp khi có tuổi.
Tốt cho tim mạch
Trong quả kiwi có rất ít cholesterol và chất béo, nhưng lại chứa hàm lượng vitamin C, chất xơ tự nhiên, magiê và lutein, một chất chống ôxy hóa rất hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ về bệnh ung thư và bệnh tim.
Kiwi còn được ví như nguồn cung cấp aspirin thiên nhiên, rất tốt cho hệ tim mạch trong việc ngăn ngừa máu đông. Chúng còn chứa nhiều những siêu dưỡng chất làm hệ tim mạch hoạt động hiệu quả, bao gồm: vitamin C, E, polyphenol, magiê, kali, vitamin B và đồng.
Tốt cho đường ruột
Kiwi rất giàu chất xơ, mỗi quả kiwi chỉ chứa khoảng 45 calo, 1/3 trong đó là pectin – đây là chất giúp nhuận tràng và chống táo bón. Các nghiên cứu dinh dưỡng chứng minh việc ăn quả kiwi đều đặn giúp ít bị đầy bụng. Đặc biệt loại quả này còn có tác dụng giảm cân hiệu quả nếu ăn thường xuyên.
Thần dược sắc đẹp
Nhờ có tỉ lệ chất chống oxy hóa (lutein) rất cao: (kiwi vàng: 310mg/100g, kiwi xanh: 120mg/100g), kiwi mang lại một làn da mềm mại, mái tóc mượt mà óng ả. Với thành phần giàu chất khoáng, kiwi tạo thành một màng mỏng trên bề mặt tóc, không chỉ giúp cho tóc chống đỡ lại ô nhiễm không khí mà còn giữ ẩm tóc.Vì vậy uống một ly nước ép kiwi mỗi ngày sẽ giúp tăng trưởng tóc rất tốt.
Trong kiwi còn có chất giúp tẩy trắng răng, trị tàn nhang và ức chế quá trình oxy hóa làn da, đào thải các sắc tố đen giúp da sáng trắng, hồng hào và mịn màng. Vitamin C trong kiwi có công dụng phục hồi hệ thống miễn dịch, tái tạo tế bào da và ngăn ngừa các nếp nhăn, kéo dài tuổi thanh xuân. Ngoài ra, kiwi còn là mặt nạ dưỡng da thần kỳ dành cho mọi loại da, làm trẻ hóa làn da cực kỳ hiệu quả.
***Ăn sao cho bổ?***
Khi chọn mua kiwi, hãy giữ chúng giữa ngón cái và ngón trỏ, nhẹ nhàng bóp thấy vừa tay là được, tránh những trái quá mềm, teo thâm hoặc nhũn. Kích thước trái không liên quan đến chất lượng trái. Kiwi có quanh năm, nhưng trái chưa chín lắm thì chưa đủ hương vị ngọt ngào, bạn cần để trong một vài ngày nữa cho trái chín dần (chỉ để trong phòng, tránh xa ánh nắng). Muốn trái chín nhanh hơn, có thể đặt chung với táo, chuối hoặc lê trong một bao giấy. Sau khi trái chín mềm và ngửi thấy mùi thơm thì lấy riêng ra bảo quản trong tủ lạnh. Thời gian bảo quản có thể đến chín ngày vẫn không mất giá trị dinh dưỡng (theo nghiên cứu của đại học Innsbruck, Áo).
Ở nước ta thường bán hai loại kiwi xanh và vàng. Kiwi xanh có vị chua, khi chín có vị chua ngọt. Trái kiwi vàng có vị ngọt giống vị trái xoài và đào. Kiwi vàng thường có thể ăn ngay sau khi mua.
Có nhiều cách ăn kiwi: gọt vỏ hoặc bổ đôi dùng muỗng nạo phần cơm, hoặc cắt nhỏ trộn với yaourt, trang trí cho nhiều loại bánh, hoặc chế biến thành món salad sữa trái cây. Nhớ không nên cắt nhỏ rồi để quá lâu ngoài không khí sẽ giảm vitamin C trong trái. Khi cắt nhỏ kiwi sẽ xuất hiện các enzyme (actinic và bromic acid) có tác dụng làm mềm thực phẩm, vì vậy khi làm món salad, nên cắt và cho kiwi vào sau cùng để tránh làm mềm các loại trái khác. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích ăn luôn vỏ sau khi đã rửa thật sạch và chà hết lớp lông bên ngoài vì chất xơ ở vỏ rất tốt cho sức khoẻ (với điều kiện vỏ không có thuốc trừ sâu hoặc hoá chất bảo quản). Chỉ cần mỗi ngày một nửa chén kiwi, tương ứng một trái kiwi cỡ trung bình (100 – 120g) là đủ.
Một số trường hợp không nên ăn kiwi
Sạn thận, sạn mật: do hàm lượng oxalate có trong trái nên những người đang điều trị sỏi thận, sỏi mật tránh dùng. Chất này còn hạn chế sự hấp thu canxi vào cơ thể, tuy nhiên các nghiên cứu cũng xác nhận ảnh hưởng này không đáng kể nếu bộ máy tiêu hoá của bạn tốt và nhai kỹ khi ăn.
Dị ứng mủ: cũng giống như bơ và chuối, trái kiwi có chứa các chất mủ liên quan đến hội chứng dị ứng mủ trái cây. Có bằng chứng rõ ràng của phản ứng dị ứng chéo giữa mủ cao su và những thực phẩm này. Nếu bạn từng bị dị ứng với mủ cao su, bạn rất có khả năng dị ứng với những trái cây này. Cảm giác ngứa miệng, sưng môi, đỏ da có thể xuất hiện. Nếu quy trình chế biến kiwi có sử dụng khí ethylene sẽ làm gia tăng các enzyme gây dị ứng. Tuy nhiên, khi nấu chín thì các enzyme này sẽ bị vô hiệu.
Tóm lại, kiwi được đánh giá là thực phẩm tốt vì nó chứa gần 80 hoạt chất sinh học thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ. Nhưng về lịch sử, phần lớn trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc (tên là quả lý gai, sau này mới được các nhà truyền đạo đem về trồng ở New Zealand), vì vậy đừng quên xem kỹ xuất xứ khi mua loại quả này.